Tài chính hành vi, lý thuyết triển vọng


Trong bài viết trước về Sự Ngẫu Nhiên và Sự Hiệu quả chúng ta đã biết rằng thị trường thường xuyên tồn tại những sự kiện cực đoan được gọi là đuôi béo. Điều này trái ngược với phân phối chuẩn mà lý thuyết thị trường hiệu quả đã giả định.

Đó là những thời điểm mà giá cả di chuyển trong vùng Extremistan, nó hình thành những xu hướng rất dễ nhận biết, nhìn chung, chúng vận động ít ngẫu nhiên và tồn tại nhiều chuyển động lớn hơn nhiều so với khi vận động trong vùng bình thường, đây chính là cơ sở giúp chúng ta xây dựng lợi thế trong giao dịch. Vậy những chiếc đuôi béo này đến từ đâu?

Thực tế, việc cố gắng đi tìm nguyên nhân về sự tồn tại của những chiếc đuôi béo này không quan trọng, với tư cách một nhà giao dịch chứ không phải nhà nghiên cứu lý thuyết, chúng ta chỉ cần quan tâm đến kết quả. Tuy nhiên, nếu muốn có một cơ sở vững chắc để làm nền tảng, chúng ta cần có một lý thuyết ủng hộ các số liệu thực tế. Nếu những số liệu thống kê chỉ ra cho chúng ta một kết quả không được hỗ trợ bởi một lý thuyết nào đó, ngay cả khi chúng ta sử dụng rất nhiều dữ liệu, thì rất có thể kết quả đó chỉ là một sự ngẫu nhiên đơn thuần. Một kết quả thống kê phù hợp với lý thuyết ít có khả năng ngẫu nhiên hơn. Khi một kết quả thống kê có nền tảng lý thuyết ủng hộ, nó không còn là một thực thể đơn lẻ, mà là một phần của một bức tranh gắn kết lớn, trong đó lý thuyết giải thích thực tế và thực tế xác nhận lý thuyết.

Các nhà kinh tế học truyền thống theo lý thuyết hiệu quả đã giả định rằng con người hành xử lý trí, thị trường chuyển động ngẫu nhiên vì hành động của những người này. Để tìm cách tối đa hóa lợi ích và gia tăng sự giàu có, họ sẽ nhanh chóng mua tài sản bị định giá thấp, đẩy giá của chúng lên cao và bán tài sản được định giá quá cao làm giá của chúng bị đẩy xuống thấp, khiến cho mọi cơ hội kiếm tiền bị khai thác rất nhanh. Mỗi người đều có động lực hành động khác nhau. Nhưng bởi tất cả mọi người đều lý trí và thông minh, nên sẽ có những giai đoạn người này mất tiền, người kia kiếm được tiền và ngược lại, không tồn tại một bộ phận thông minh hơn kiếm được tiền đều đặn. Đây chính là sai lầm dẫn đến việc không mô tả được sự tồn tại của đuôi béo.

Ngày nay, tài chính hành vi nổi lên như một lý thuyết có khả năng giải thích rất nhiều vấn đề của kinh tế học. Trong những nghiên cứu về tài chính hành vi hiện đại, tất cả chúng ta đều thiên vị, hành xử cảm tính và ra những quyết định đi ngược với tiêu chuẩn mà các nhà kinh tế truyền thống đã giả định. Quan trọng hơn, sự vô lý này thường tạo ra những vòng lặp phản hồi với những hệ quả to lớn tăng theo hàm mũ. Chúng sẽ tạo ra những xu hướng rất lớn trên thị trường, nơi mà giá cả bị đẩy ra xa khỏi giá trị thực. Thị trường trên thực tế không phản ứng trực tiếp các thông tin mới, mà nó phản ứng với các thông tin đó sau khi đã đi qua lăng kính cảm xúc và thiên kiến của con người. Mọi người đưa ra quyết định vô cùng cảm tính với các tình huống trên thị trường, thông tin bị xem thường, bị quan trọng hóa, bị phóng đại khi phân tích. Con người sẽ ghi nhớ, thiên vị, bảo thủ và bị chi phối mạnh mẽ bởi những cảm xúc gắn với hy vọng, sợ hãi, nỗi đau khi giá cả biến động.

Trong thế giới lý tưởng của các bước đi ngẫu nhiên, giá cả không bị ảnh hưởng bởi các mức giá và thông tin trong quá khứ. Nhưng trong thế giới thực, giá cả được xác định bởi việc các nhà giao dịch đưa ra quyết định mua bán tại các thời điểm cụ thể. Các nhà giao dịch thì lại luôn cho rằng mình thông minh hơn người khác, cho nên khi đưa ra quyết định, họ sẽ ít khi thừa nhận mình sai. Sự bảo thủ này được tạo ra bởi họ đã bị mắc vào “thiên kiến xác nhận”. Khi đang giữ một vị thế dựa trên các quyết định mua bán, và thông tin mới đến lại xác nhận điều đó, họ sẽ có xu hướng xem trọng nó hơn, đồng thời phản ứng thái quá với nó. Ngược lại, khi thông tin mới đến mâu thuẫn với quyết định trước đó, họ có xu hướng bỏ qua, đối xử một cách hoài nghi và phản ứng kém với nó. Điều đó khiến niềm tin của các nhà giao dịch về quyết định của họ, bất kể chúng là gì, trở nên cực đoan hơn theo thời gian. Họ có thể sẽ thực hiện hành động bổ sung (mua hoặc bán), làm khuếch đại xu hướng của giá hiện tại. Sự thiên vị, cảm tính, và thiếu lý trí của con người chính là nguyên nhân dẫn đến những chiếc đuôi béo.

Khi giá cả ở trong vùng Mediocristan, nó biến động bình thường và nhẹ nhàng, con người bình tĩnh và lý trí, tài khoản của các nhà giao dịch biến động không nhiều khi giá di chuyển, những động lực khác nhau khiến cho họ có những hành động mua bán rất khác nhau, làm cho giá vận động vô cùng ngẫu nhiên. Nhưng khi giá bắt đầu tăng, những người mua sẽ tự tin hơn với quyết định của mình, họ quyết liệt mua thêm nhiều hơn, họ nghĩ rằng mình thông minh và liên tục truyền miệng với nhau về điều đó. Nhiều thông tin tích cực xuất hiện làm cho nhiều nhà đầu tư khác nghĩ rằng giá sẽ còn tiếp tục tăng, họ bắt đầu mất dần đi lý trí. Vào những lúc như vậy, động lực của họ trở nên giống nhau, họ cùng tham lam, cùng sợ hãi, cùng thiên vị và cảm tính theo một cách, tạo ra một vòng phản hồi tích cực liên tục đẩy giá lên cao tiến vào vùng Extremistan, đây chính là lúc những chiếc đuôi béo xuất hiện. Khi giá đã đi quá xa, cuối cùng nó sẽ sụp đổ theo một vòng lặp giống hệt như cách nó đã đi lên.

Một hàm ý khác của thị trường hiệu quả là các nhà đầu tư thông minh không thể kiếm được lợi nhuận cao hơn các nhà đầu tư kém cỏi bởi thị trường ngẫu nhiên. Nhưng trên thực tế, có một bộ phận sẽ liên tục kiếm được lợi nhuận trên thị trường, họ đã xây dựng và phát triển những hệ thống, phương pháp để kích hoạt những chiếc đuôi (xu hướng lớn) nhằm kiếm lợi nhuận từ những nhà đầu tư theo cảm xúc.

Chúng ta có thể bắt gặp điều này rất nhiều ở thị trường Crypto, nơi tồn tại vô số dự án được xây dựng theo kiểu “pump and dump”. Các nhà phát triển và tạo lập tạo ra các tin tức, thuật toán mua bán để đẩy giá vào một xu hướng tăng, gọi là xu hướng mồi, trong khi trước đó họ đã tích lũy được một số lượng token lớn. Khi giá đạt đến một ngưỡng nào đó, những thành phần nhà đầu tư cảm tính sẽ truyền miệng nhau và liên tục nhảy vào mua đuổi theo làm cho giá tăng rất cực đoan, tạo nên những cú pump khủng khiếp. Đúng lúc này, các nhà tạo lập kia sẽ bắt đầu bán. Họ đã rất thông minh khi tận dụng được lòng tham, nỗi sợ và sự cảm tính của người khác để kiếm tiền. Họ làm đi làm lại cùng một cách thức và hành động đó, hết lần này đến lần khác, hết tháng này qua tháng khác, hết năm này qua năm khác. Tiền trên thị trường sẽ liên tục chảy từ túi của những người cảm tính sang những người lý trí và thông minh. Mặc dù hoạt động thao túng này chỉ có thể xảy ra trong các thị trường vốn hóa nhỏ, nơi mà nguồn cung bị chi phối phần lớn bởi một số người, nhưng nó là một minh chứng rõ nhất cho thấy các hàm ý của thị trường hiệu quả là kém chính xác.

Hình phía trên là một hàm số giá trị thể hiện rất chính xác bản chất con người. Cảm xúc của chúng ta bị tác động mạnh mẽ hơn khi thua lỗ, nỗi đau chúng ta cảm nhận được khi mất 50 USD lớn hơn nhiều so với niềm vui khi nhận được chính số tiền đó. Phần bên phải của đường cong, là miền lãi, thể hiện sự nhạy cảm của con người với lợi nhuận giảm dần. Chúng ta cảm nhận sự chênh lệch với việc lãi từ 10 USD lên 20 USD mạnh mẽ hơn so với việc lãi được 1.010 USD và 1.020 USD. Điều này ngược lại với phần bên trái của đường cong thuộc miền thua lỗ, sự nhạy cảm của chúng ta giảm dần khi thua lỗ tăng lên. Nếu quan sát kỹ biểu đồ, chúng ta còn thấy nó có một ý nghĩa khác sâu xa hơn: con người sợ mạo hiểm để kiếm lợi nhuận, nhưng lại dám mạo hiểm hơn rất nhiều để không bị thua lỗ.

Con người có nỗi sợ thua lỗ những khoản tiền đã sở hữu lớn hơn nhiều so với việc mất đi một khoản tiền chưa nắm trong tay, bởi nỗi đau của việc mất mát lớn hơn nhiều với niềm vui có lợi nhuận. Các thí nghiệm của lý thuyết triển vọng cho chúng ta thấy phần lớn mọi người sẽ không thể giữ được những giao dịch có lãi mà sẽ chốt sớm lợi nhuận, và họ sẽ làm ngược lại với những giao dịch thua lỗ, họ không chấp nhận mình đã sai với một khoản lỗ nhỏ mà sẽ cố gắng chờ đợi và hi vọng rằng giao dịch đó trở về hòa vốn, cuối cùng khoản lỗ sẽ phát triển một cách quá mức. Những người này thường chỉ hành động dựa trên cảm tính mà không dựa trên giá trị kỳ vọng thực tế, họ đang nhìn nhận một thực tại méo mó qua lăng kính cảm xúc cá nhân. Những người thực hiện những hành động cảm tính này rõ ràng đang không thể tận dụng được hệ quả tích cực của những chiếc đuôi béo trên thị trường, họ liên tục bị mất tiền và sẽ trở thành một nguồn lợi nhuận ổn định cho những người thông minh khác.

Do đó, nếu muốn đứng vào hàng ngũ của những người chiến thắng, chúng ta phải làm ngược lại với cảm giác thông thường, biết chấp nhận mình sai và tránh giữ các khoản lỗ quá lâu. Chúng ta cần xây dựng những chiến lược giao dịch, trong đó khoản thua lỗ được kiểm soát cố định bởi những lệnh dừng lỗ chặt chẽ, còn lợi nhuận không giới hạn và được cho chạy xa nhất có thể. Chúng ta cần chờ đợi một xu hướng hình thành rồi tham gia ngay ở giai đoạn đầu, những xu hướng nhỏ này có thể phát triển thành những xu hướng rất lớn, khi giá cả biến động mạnh và tiến vào vùng Extremistan, kết quả của chúng ta sẽ bị chi phối mạnh mẽ bởi những giá trị cực đoan, do đã cắt bỏ những kết quả tiêu cực, nên chúng ta sẽ nhận được những kết quả tích cực từ chúng, đó chính là cơ sở để kiếm được lợi nhuận. 

Comments

Post a Comment